Tại Ba lan, đúng hơn là tại Vacsava có 10 người Tây tạng sinh sống - một số đến đây trước khi đi tiếp đến các nước Tây Âu, một số khác đến thăm gia đình. Người Tây tạng đầu tiên xuất hiện tại Ba lan cùng với chuyến thăm nước này của Dalai Lama năm 1993. Đó là các sinh viên có học bổng tại Trường Y (Akademia Medyczna) và một thầy giáo dạy tiếng Tây tạng tại ĐHTH Vacsava. Sau đó là những người có vợ là người Ba lan. Họ thường tránh các sự kiện chính thức mà chỉ gặp riêng nhau nhân dịp ăn mừng, kỷ niệm các ngày lễ và phong tục Tây tạng. 

Trong những năm gần đây, có thể gặp người Tây tạng sống tại Vacsava và tìm hiểu cội nguồn văn hóa của họ ở Tibet House Acala (Nhà Tây tạng Acala) tại quận Mokotów và Sklep Tybetański (Cửa hiệu Tây tạng) trong dãy cửa hàng gần phố Zielona và ga tầu điện ngầm "Świętokrzyska". Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn với tiến sỹ Thupten Kunga, chủ Sklep Tybetański/ Cửa hiệu Tây tạng và là giáo viên tiếng Tây tạng tại ĐHTH Vacsava.

                                      

Lục địa Vacsava: Có bao nhiều người Tây tạng sống ở Vacsava, họ làm gì?


Tiến sỹ Thupten Kunga: Để tôi đếm - 18 người. Tôi không quen ba người trong số đó, số còn lại thì có người tôi biết rõ, có người không. Tôi đến Ba lan năm 1994 và là một trong những người Tây tạng đầu tiên tại Vacsava. Tôi nhận được lời mời làm việc tại ĐHTH Vacsava, những người còn lại làm nhiều việc khác nhau. Ba người là nhà sư, có bốn sinh viên, một số người khác đi làm, nhưng vì không biết tiếng nên họ khó tìm được việc làm ổn định. Đầu năm 2000, một vài người Tây tạng đến đây sau khi cưới vợ người Ba lan. Rất khó để đến được Ba lan, một số người có thẻ cư trú hoặc thị thực, ai lấy vợ rồi thì có quốc tịch, họ phải mất ba năm để làm được việc này. Trong các trường hợp khác, họ phải vượt qua rất nhiều thủ tục phiền toái.


LV: Tiếng Ba lan có khó không? Bao nhiêu người Tây tạng nói tiếng Ba lan?


Ts TK: Tiếng Ba lan rất khó và không dễ dàng đọc thông viết thạo. Tôi biết một chút tiếng Ba lan vì tôi đã sống ở đây 13 năm rồi. Những người đến đây cách đây hai, ba năm thì hiểu nhưng có lẽ là không nói được.  


LV: Tại sao anh lại sống ở Vacsava, anh có biết tại sao người Tây tạng lại chọn thành phố này để sống không?


Ts TK: Sau khi học xong tôi bắt đầu làm việc tại trường đại học. Tôi yêu thích đất nước và thành phố này. Lý do chính vì sao người Tây tạng sống ngoài tổ quốc là tình hình trong nước, dưới sự chiếm đóng của Trung quốc. Tôi có việc làm, một số người lập gia đình, một số khác muốn được học đại học và họ có cơ hội ở Vacsava, nên họ đã đến đây.


LV: Anh có những địa điểm thú vị được yêu thích đặc biệt nào ở Vacsava không?  


Ts TK: Chắn chắn là có rất nhiều nơi để gặp gỡ bạn bè, nhưng có lẽ là tôi không có địa điểm yêu thích nào cả.


LV: Có hay không những địa điểm gắn bó với Tây tạng.


Ts TK: Ở đây có các cơ sở Phật giáo, thực hành tôn giáo của người Tây tạng, có Tibet House Acala (Nhà Tây tạng Acala) - một địa điểm gặp gỡ, ngồi thiền thú vị, đồng thời là trung tâm y học dân tộc và có Sklep Tybetański (Cửa hiệu Tây tạng). Tôi mở cửa hàng này năm 2003. Nhiều người quan tâm đến văn hóa phương Đông và Tây tạng thường đến đây. Ở đây có nhiều đồ vật gắn liền với tôn giáo, đồ trang trí, quần áo, sách.


LV: Anh nghĩ gì về người Vacsava, họ đối xử với người ngoại quốc như thế nào?


Ts TK: Tôi không gặp điều tồi tệ nào cả. Mối quan hệ lẫn nhau phụ thuộc vào cả hai bên. Tôi nghĩ rằng người Vacsava rất cởi mở và dễ chịu.


LV: Các anh có tổ chức các sự kiện trang trọng nhân dịp ngày lễ Tây tạng nào không?


Ts TK: Chúng tôi chỉ có 18 người, quá ít để tạo nên một cộng đồng lớn mạnh. Chúng tôi cố gắng giúp đỡ nhau để gìn giữ lối sống, tôn giáo riêng của mình, điều này rất khó. Chúng tôi cùng nhau ăn mừng năm mới Tây tạng, ngày sinh của Dalai Lama và các ngày lễ khác. Nếu mà thành lập được một Trung tâm Văn hóa Tây tạng, mở cửa cho tất cả mọi người, địa điểm có nhiều sách hay, để đối thoại, xem phim thì rất tốt. Nhưng rất tiếc là một trung tâm như vậy vẫn chưa tồn tại.


LV: Cảm ơn anh đã trả lời phỏng vấn và chúng tôi hy vọng rằng lần sau chúng ta sẽ gặp nhau tại Trung tâm Văn hóa Tây tạng.


*****************************************

Vacsava là địa điểm gắn bó mật thiết với văn hóa Tây tạng. Ngoài những người Tây tạng sống tại đây, các cơ sở Phật giáo hoạt động rất tích cực. Maciej Magura Góralski tổ chức chuỗi các buổi thuyết giáo và chiếu video về đề tài truyền thống, văn hóa Tây tạng tại Bảo tàng Châu Á Thái bình dương (Muzeum Azji i Pacyfiku). Có thể học tiếng Tây tạng tại ĐHTH Vacsava hoặc học riêng. Ở Vacsava có Quỹ Nhân quyền Helsinki (Helsińska Fundacja Praw Człowieka), trên trang mạng của mình liên tục đăng các bản tin về tình hình Tây tạng bằng tiếng Ba lan. Quỹ đã hai lần mời Dalai Lama đến thăm Ba lan và Vacsava, năm 1993 và 2000, nơi ông được trao tặng, ví dụ như Huân chương Nụ cười (Order Śmiechu). Hàng năm, trước ĐSQ Trung quốc, các cuộc biểu tình, tụ họp được tổ chức, nhằm nhắc lại thảm họa Tây tạng, nhất là vào ngày 10 tháng Ba - ngày Khởi nghĩa Dân tộc của người Tây tạng. Quỹ Không gian khác/ Fundacja Inna Przestrzeń (nhà xuất bản của Lục địa Vacsava/ Kontynenty Warszawa) tiến hành Chương trình Tây tạng/ Program Tybetański, với các hoạt động giáo dục và quảng bá Tây tạng.


Nếu như chúng ta có may mắn tham gia các hoạt động có khách mời là người Tây tạng, chắc chắn rằng chúng ta có thể tìm hiểu những nét quan trọng nhất của văn hóa và truyền thống Tây tạng.


Trong số những sự kiện mang tính chất tôn giáo quan trọng nhất có lễ Puja và nghi lễ kiến lập Mandala từ cát. Hai nhà sư sống tại Nhà Tây tạng (Tibet House) là A Jam và Sherab thực hiện các nghi lễ này. Lễ Puja là nghi lễ của đạo Phật, có đọc kinh Phật và cầu nguyện. Man-dala được kiến lập từ cát, là sự phản ánh một trong những ý tưởng của Phật giáo, hoặc các vị thánh - Bodhisattvy hoặc Đức Phật. Người ta tạo hình mandala với sự một chính xác vượt bậc từ cát màu trong nhiều ngày. Kiến lập xong, nghi lễ hủy mandala sẽ diễn ra, tượng trưng cho sự phù du của mọi vật. Cát thường được ném xuống dòng sông chảy qua gần đó. Ẩm thực Tây tạng cũng là một trong những nét đặc trưng, với các món ăn như vằn thắn momo, tsampa hay trà mặn pha với bơ là những món cơ bản. Có bia Tsang, nhưng để thưởng thức bia đúng vị, chúng ta phải đến Tây tạng, Ấn độ hoặc Nepal. Tsampy - bột mì làm từ lúa mạch rang không có ở Vacsava, và trà pha với bơ không hợp khẩu vị của người Châu Âu. Nếu gặp may mắn đặc biệt, chúng ta có thể được tận mắt xem người Tây tạng biểu diễn. Vài năm về trước, họ thành lập nhóm nghệ thuật không chính thức mang tên "Sư tử tuyết/ Śnieżne Lwy". Người Tây tạng yêu nhảy múa và vui chơi, tại Vacsava thỉnh thoảng chúng ta có thể được nghe các bài hát truyền thống trong tiếng đàn gi-tar Dra Nian. Trang phục truyền thống của người Tây tạng (tiếng Ba lan: czuba) là áo khoác buộc dây thường chỉ quàng một bên vai dành cho nam giới, trang phục cho phụ nữ trông giống một chiếc váy đơn giản. Một trong những tục lệ quan trọng của người Tây tạng là tặng khata - một dạng khăn choàng dài đặc biệt màu trắng, được dùng mỗi khi chúng ta muốn bày tỏ lòng kính trọng vị khách chúng ta đón tiếp, khi chia tay, trân trọng chúc mừng, hoặc tặng cho lamie - thầy giáo đạo Phật. Trang phục, đồ trang trí, hương nén và trang sức Tây tạng có thể mua tại cửa hàng trên phố Zielna.


Các ngày lễ quan trọng nhất của người Tây tạng, trừ các ngày lễ Phật giáo:


Losar - Năm mới Tây tạng theo lịch Tây tạng. Người Tây tạng ăn Tết ba tuần liền, trước Đại lễ Cầu nguyện. Ấn độ ăn mừng năm mới trong ba ngày với các buổi biểu diễn truyền thống, lễ kỷ niệm chính thức, hòa nhạc và gặp mặt gia đình. Tại phương Tây, nhiều sự kiện cũng được tổ chức nhân dịp này. Người Tây tạng thường ăn mừng năm mới cùng bạn bè. Theo lịch Tây tạng, năm 2007/2008 là năm 2134 (tính từ vị vua đầu tiên của Tây tạng Niatri Tsenpo) và là năm Đinh Hợi theo lịch thiên văn Kalaczakry. Losar mới rơi vào ngày sau ngày trăng tròn, 7 tháng Hai 2008.


10 tháng Ba
- kỷ niệm Khởi nghĩa Dân tộc tại Tây tạng (năm 1959) - trong ngày này nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người Tây tạng được tổ chức khắp nơi trên thế giới. Theo truyền thống, đó là ngày Dalai Lama đọc lời Tuyên bố thường niên, quốc hội và chính phủ lưu vong Tây tạng - hai cơ quan quan trọng nhất của Tây tạng cũng đăng thông cáo đặc biệt.


6 tháng Bẩy
- sinh nhật của Dalai Lama thứ 14. Được kỷ niệm như Ngày Tây tạng trên Thế giới. Theo truyền thống, người Tây tạng gặp gỡ để cùng nhau kỷ niệm ngày sinh của nhà lãnh đạo tinh thần của mình.

 

Khó có thể nói về truyền thống và văn hóa Tây tạng mà không nhắc đến tình hình phức tạp của dân tộc này. Năm 1950, Tây tạng bị Cộng hòa Nhân dân Trung hoa xâm lược. Năm 1959, cuộc khởi nghĩa chống Trung quốc nổ ra - vị lãnh đạo tinh thần và chính trị cao nhất của người Tây tạng, Dalai Lama quyết định sống lưu vong. Ông cư trú chính trị tại Ấn độ, thành lập Chính phủ Tây tạng Lưu vong, sau đó ít lâu thành lập quốc hội và lập ra hiến pháp dân chủ tại đây. Có 80 ngàn người Tây tạng đi theo Dalai Lama. Từ đó, hàng năm có khoảng ba ngàn người Tây tạng vượt đường núi Himalaya hiểm trở. Rất nhiều người trong số họ là những người hành hương muốn được gặp Dalai Lama khi ông còn sống để nghe giảng đạo. Những người khác chạy trốn khỏi sự đàn áp chính trị. Rất nhiều người trong số đó là các nhà sư, cô ni Phật giáo và có cả trẻ em. Cho đến bây giờ tại Tây tạng hiện nay, chiến dịch chính trị vẫn đang tiếp diễn nhằm vào các cơ sở tôn giáo, hệ thống giáo dục rất yếu kém và chủ yếu hướng đến mục đích đồng hóa người Tây tạng.


Dalai Lama ngược lại, kêu gọi đàm phán nghiêm túc với mục đích đảm bảo hình thức tự trị thật sự của Tây tạng trong Trung quốc. Người tị nạn Tây tạng sống nhiều nhất ở Ấn độ - con số ước lượng khác nhau, từ 90 đến 150 ngàn người, sau đó là Nepal và Bhutan. Theo thời gian, cộng đồng người Tây tạng di cư đã xuất hiện ở châu Âu (chủ yếu là ở Thụy sỹ, các nước Bắc Âu, gần đây nhất ở Anh), Mỹ, Canada, và cả ở Ba lan. Tây tạng hiện có sáu triệu dân.


Ts Thupten Kunga, Piotr Cykowski

Tháng Mười Một/ Tháng Mười Hai 2007