Tôi đính hôn với một người ngoại quốc. Gia đình tôi là Nga – Ba lan. Cái hay của những cuộc hôn nhân này là sự đa văn hóa – chúng tôi kỷ niệm cả những ngày lễ Nga cũng như Ba lan. Con cái của chúng tôi sẽ nói được hai thứ tiếng. Chúng tôi cũng rất cởi mở với những nền văn hóa khác.

Cuộc sống trong hôn nhân với người ngoại quốc như thế nào? Những cái gì là của tôi, của anh, của chúng ta? Khi sống ở Vacsava, tôi nói là „Ở chỗ chúng tôi ở Vácsava”. Khái niệm „nhà” không còn hiển nhiên nữa, mặc dù ai cũng biết rằng nhà là nơi gia đình mình sinh sống. Tôi thích thể thao và tôi cổ vũ người mình, tức là người Nga, còn chồng tôi cũng cổ vũ đội của anh ấy, tức là người Ba lan.

Chúng tôi có cãi nhau khi người Ba lan và người Nga thi đấu với nhau không? Không. Chúng tôi có vui mừng khi đội tuyển của tôi, hay đội tuyển của anh ấy thắng không? Có. Chồng tôi rất ngưỡng mộ thành tích của đội bóng của nước tôi, chúng tôi còn cùng nhau đến cổ động trận đấu Nga – Tây ban nha ở Pole Mokotowskie. Còn tôi thì rất muốn „bà hoàng nhẩy sào” của Nga thắng cuộc tại Berlin, nhưng rất tiếc là cô ấy lại thua. Tôi có thất vọng không? Cũng không hẳn. Bởi vì người thắng cuộc là người Ba lan, cũng là người nhà cả.

Trong cuộc sống hàng ngày của những đôi vợ chồng ngoại quốc, phần lớn chúng tôi nói tiếng Ba lan, thỉng thoảng cũng nói tiếng mẹ đẻ của người kia, nếu người vợ hoặc người chồng còn lại, tức là người Ba lan biết nói thứ tiếng đó. Chúng tôi tổ chức các ngày lễ của cả hai nền văn hóa, lễ Phục sinh tại nhà thờ Ba lan và nhà thờ của Giáo hội chính thống. Chúng tôi cũng kỷ niệm ngày lễ Masalnica – ngày hội truyền thống của người Nga mừng mùa đông kết thúc, còn vào ngày lễ Phục sinh của người theo đạo Thiên chúa Chính thống, chúng tôi luôn luôn đến lễ hội chính của đêm Phục sinh ở nhà thờ đạo Thiên cúa Chính thống tại quận Praga. Vào lễ Giáng sinh, chúng tôi tặng quà cho nhau, cùng nhau tổ chức ăn uống với bạn bè, không phải ai cũng nhất thiết là người theo đạo Thiên chúa.

Kết hôn với người nước ngoài làm cho mỗi chúng tôi có cuộc sống tinh thần và văn hóa giầu có hơn. Nhờ chồng tôi mà tôi biết thêm được nhiều điều về ẩm thực Ba lan, thậm chí là tôi còn thấy thích ăn món súp củ cải đỏ barszczyk, mặc dù là trước đây tôi không thể chấp nhận được món ăn này, nhất là khi so sánh với món súp củ cải đỏ của người Ucraine.

Có dễ kết hôn với người Ba lan hay không? Dễ thôi. Cần phải có giấy chứng nhận chưa đăng ký kết hôn tại nước mình của Đại sứ quán, bản dịch công chứng giấy khai sinh của người ngoại quốc. Thậm chí có thể đăng ký kết hôn với người Ba lan ở Ba lan nếu người nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp. Vì thế mà nhiều sứ quán các nước châu Phi cố gắng thuyết phục các công dân của mình hợp pháp hóa cư trú bằng cách này. Ở nhiều nước châu Âu khác phải có hàng triệu giấy tờ mới có thể đăng ký kết hôn, còn ở Ba lan thì rất dễ.

Nhưng lấy vợ hoặc lấy chồng người Ba lan không có nghĩa là có thể đảm bảo việc hợp pháp hóa cư trú. Khi có vợ hoặc chồng người Ba lan, có thể xin thẻ tạm trú trên cơ sở hôn nhân. Tôi sống ở Ba lan từ năm 2004, tôi đã có vài thẻ tạm trú trên cơ sở học đại học và có việc làm. Khi tôi lấy chồng người Ba lan, tôi đang có thẻ tạm trú trên cơ sở việc làm. Theo luật Ba lan, cứ mỗi lần xin thẻ là tôi nhận được thẻ tạm trú thời hạn 1 năm. Khi có việc làm cũng vậy. Điều phi lý là khi trở thành vợ của người Ba lan, tôi trở thành loại người không đáng tin tưởng so với người Nga đang có việc làm tại Ba lan. Giấy phép lao động thứ hai của tôi sẽ có thời hạn 2 năm, khi đó thẻ tạm trú cũng có giá trị 2 năm. Nhưng tôi lại không làm giấy phép lao động mà xin thẻ tạm trú trên cơ sở hôn nhân với người Ba lan. Vì đây là năm hôn nhân đầu tiên, tôi chỉ nhận được thẻ tạm trú thời hạn 1 năm. Không cần biết rằng trước khi đăng ký kết hôn, tôi đã sống 4 năm tại Ba lan, có 4 thẻ tạm trú. Trong trường hơp này, đáng lẽ ra tôi có thể xin thẻ tạm trú trên cơ sở việc làm với thời hạn 2 năm, chứ không phải trên cơ sở đoàn tụ gia đình. Vì tôi chỉ nhận được thẻ thời hạn 1 năm (với lệ phí 400 PLN, gần 2 tháng chờ đợi đầy lo âu, tốn thời gian).

Nhưng những trở ngại cho các cặp vợ chồng với người nước ngoài không chấm dứt ở đây. Sau khi đã nộp hồ sơ, tất cả các cặp vợ chồng đều bị gọi đến một cuộc thẩm vấn. Thời điểm của cuộc thẩm vấn này được thanh tra viên Ban phụ trách người ngoại quốc xác định. Đầu tiên từng người được thẩm vấn riêng, sau đó những câu trả lời của hai vợ chồng được so sánh với nhau. Điều thú vị là hai gia đình được thẩm vấn trong cùng một phòng. Đây là sự xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng các nhân viên của Ban không hề để ý đến điều này. Họ quan tâm đến việc có bao nhiêu khách đến dự đám cưới, chú của vợ hoặc chồng tên là gì, căn hộ được bầy biện như thế nào, hai người gặp nhau lúc nào, khi nào thì bắt đầu sống cùng nhau, những ngày cuối tuần gần nhất làm gì, tường nhà mầu gì. Sau một vài những câu hỏi đó, tôi đề nghị nhân viên thẩm vấn hỏi thêm về mầu của những chiếc bàn chải đánh răng của chúng tôi, vì tôi và chồng tôi còn chủ ý kiểm tra cẩn thận trước khi ra khỏi nhà. Ông ta mỉm cười và hỏi mầu dép đi trong nhà. Khi ở chỗ làm việc tôi kể lại chuyện này cho các bạn đồng nghiệp, ai cũng nói rằng họ không thể qua được những cuộc thẩm vấn như vậy. Vì tiền điện và tiền ga thì một trong hai vợ chồng trả, người kia thậm chí còn không biết bao nhiêu, đàn ông và đàn bà nhìn mầu sắc một cách khác nhau và không phải ai cũng có trí nhớ tốt về tên người hay ngày tháng. Nhưng người ngoại quốc kết hôn với người Ba lan không thể lơ là những chuyện này được!

Điều phi lý ở Ba lan là giấy tờ còn quan trọng hơn là gia đình. Hai vợ chồng phải đăng ký hộ khẩu tại cùng một địa chỉ. Nhiều khi tôi có cảm tưởng rằng ở Ba lan hộ khẩu quan trọng hơn tất cả mọi thứ khác. Chồng tôi có hộ khẩu ở Kalisz, tôi thì đăng ký tại địa chỉ của người nhận tôi vào làm việc, ở ngoại ô Otwock, còn nhà của chúng tôi là đi thuê. Ông chủ nhà ký hợp đồng thuê nhà nhưng không chịu đăng ký hộ khẩu. Để chứng minh rằng, tuy mỗi người đăng ký hộ khẩu ở mỗi nơi khác nhau, nhưng chúng tôi sống cùng nhau tại một nhà, chúng tôi đã nộp bản hợp đồng thuê nhà, giấy chứng nhận của ngân hàng về các khoản thanh toán tiền điện, ga, nước. Nhưng những điều này vẫn không đủ - họ đòi hỏi chúng tôi phải nộp giấy chứng nhận đăng ký hộ khẩu. Tôi có thể đăng ký hộ khẩu ở Kalisz, nhưng khi đó tôi sẽ phải nộp hồ sơ xin thẻ tạm trú, đi thẩm vấn, đi lấy quyết định rồi lấy thẻ tại đó, tức là hai người đi làm như chúng tôi sẽ phải xin nghỉ phép, và chi phí đi lại cũng rất tốn kém. Thậm chí như thế vẫn không chắc chắn đâu, vì lúc nào thì công an địa phương, hay thanh tra viên cũng có thể đến kiểm tra và họ có thể khẳng định rằng chúng tôi không sống ở đó. Tóm lại là trong trường hợp của chúng tôi thì chỉ làm được ở Vacsava thôi.

Việc đăng ký hộ khẩu cho cả hai vợ chồng tại một địa chỉ là điều không thể thực hiện được. Khi đến thời hạn, tôi không thể lấy được quyết định, vì hai vợ chồng tôi không có hộ khẩu ở cùng một nơi. Mặc cho tôi van xin, ông chủ nhà trả lời rằng „không thể đăng ký hộ khẩu được”. Nếu ông ấy đăng ký hộ khẩu cho chúng tôi thì tôi đã có thể có thẻ tạm trú rồi. Tức là số phận của gia đình tôi là do MỘT NGƯỜI LẠ HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH. Và điều này hoàn toàn hợp pháp. Khi chúng tôi hiểu ra điều này, chồng tôi đã đến phòng hành chính văn thư trực thuộc Chủ tịch tỉnh Mazowiecki và nói rằng „chúng tôi muốn kiện Chủ tịch tỉnh ra tòa, vì ông ta muốn phá hoại gia đình chúng tôi”. Hai ngày sau, bà thanh tra viên phụ trách trường hợp của tôi gọi điện mời tôi đến nhận quyết định cho phép tôi tạm trú tại Ba lan. Nhưng chưa hết, chúng tôi được thông báo rằng chủ nhà có nghĩa vụ đăng ký hộ khẩu cho chúng tôi, nếu ông ta không làm điều đó, chúng tôi phải thông báo việc này cho cơ quan hành chính biết (và điều này đi liền với việc chúng tôi sẽ bị ông ấy đuổi khỏi nơi đang ở). Chúng tôi không làm như vậy, với hy vọng rằng bà Maria M. – thanh tra viên Ban phụ trách người nước ngoài sẽ làm điều này. Sau đó, chúng tôi đã bị Ủy ban hành chính quận gọi lên chất vấn về việc không thực hiện nghĩa vụ đăng ký hộ khẩu. Bà Maria M. đã viết công văn tố cáo chúng tôi.

Rất may mắn cho chúng tôi là nhân viên Ủy ban hiểu được sự phi lý của hoàn cảnh của chúng tôi và đồng ý đăng ký hộ khấu trên cơ sở hợp đồng thuê nhà – bà nhân viên này cho rằng bản hợp đồng thể hiện sự đồng ý của chủ nhà cho phép chúng tôi đăng ký hộ khẩu. Để làm được thẻ tạm trú, tôi đã mất gần hai tháng rưỡi, lúc nào tôi cũng ở trạng thái căng thẳng vì không thể biết rằng bà Maria M. có viết công văn tố cáo hay không, nhân viên Ủy ban hành chính quận sẽ xem xét trường hợp của tôi như thế nào, chủ nhà sẽ biết điều này hay không và có đuổi chúng tôi ra khỏi nhà không. Tất cả những điều này đã làm tôi mắc bệnh nặng.

Tôi viết hai đơn khiểu nại đến Chủ tịch tỉnh về việc họ gây khó dễ cho tôi và chồng tôi. Chúng tôi được mời đến gặp gỡ với Phó ban phụ trách người nước ngoài, bà Maria K. Sau những lời xin lỗi, bày tỏ sự cảm thông, những bảo đảm rằng điều này sẽ không lặp lại và chúng tôi sẽ có thể nhận được sự giúp đỡ của bà ấy khi phải nộp hồ sơ kéo dài cư trú, tôi đã rút đơn khiếu nại. Cách đây không lâu tôi phải nộp hồ sơ làm thẻ mới. Có điều gì thay đổi không? Không. Hộ khẩu vẫn là cơ sở quan trọng để hợp pháp hóa cư trú.

Điều quan trọng nhất trong mỗi gia đình là sự hỗ trợ của người vợ hoặc người chồng, và điều này càng quan trọng hơn trong trường hợp người còn lại trong hôn nhân là người ngoại quốc. Không phải lúc nào người đó cũng nói tiếng Ba lan trơn tru, có thể một mình giải quyết công việc, hiểu rõ thực trạng Ba lan. Ở đây, thái độ của người vợ, người chồng người Ba lan là rất quan trọng. Trong các gia đình có người ngoại quốc mà tôi biết, trở ngại không phải là các khác biệt, rào cản văn hóa (thực ra thì giữa những người Slovian, những điều này không rõ rệt lắm), nhưng là những khác biệt về tôn giáo. Bạn của tôi lấy chồng tại nhà thờ Đạo chính thống. Cô ấy không gặp bất kỳ trở ngại nào, cả hai gia đình đều chấp nhận sự việc này. Tôi và chồng tôi cưới nhau tại Phòng kết hôn và cũng không gặp trở ngại nào cả. Những sự kiện lịch sử cũng không gây khó khăn cho chúng tôi trong hôn nhân, thực ra thì có nhiều vấn đề không mấy khi được nói đến, những điều đó vẫn nằm trong trí nhớ của chúng tôi.

Tác giả: Maria Strelbicka