Written by on

Bất cứ người nước ngoài nào đến Ba lan cũng gặp phải vấn đề thuê nhà, trừ khi là sinh viên được trường đại học phân chỗ ở tại nhà tập thể. Nhưng sau một thời gian, thể nào người đó cũng sẽ muốn chuyển ra ở nơi độc lập. Những người may mắn nhất có thể ở nhờ nhà của người quen. Ai không có bạn bè thì phải tự đi tìm nhà. Khi đó, người nước ngoài phải nhớ hai điều – hợp đồng thuê nhà và đăng ký hộ khẩu. Vấn đề thứ nhất có thể được giải quyết khá dễ dàng, còn vấn đề thứ hai là một trở ngại lớn.

Luật Ba lan quy định nghĩa vụ đăng ký hộ khẩu. Ví dụ như khi ai đó đi du lịch trên núi quá 3 ngày thì phải đăng ký tạm trú tại đó. Luật này tuy không ai thực hiện cả, nhưng với người nước ngoài thì khác. Khi chúng ta muốn xin thẻ tạm trú hoặc cư trú, chúng ta phải nộp giấy đăng ký tạm trú. Chúng ta phải tìm cách để có được giấy chứng nhận này, nhưng không phải vì chúng ta muốn, mà chúng ta bắt buộc phải làm.

Tìm được nhà cho thuê ở Vacsava mà chủ nhà đồng ý đăng ký hộ khẩu có lẽ phải nhờ đến phép mầu nhiệm. Ngay cả việc tìm được nhà cho thuê cũng không phải là chuyện dễ dàng rồi. Giống như mọi người, chúng ta tìm qua báo chí và trên mạng, khi đó thì chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều văn phòng môi giới, ngay cả khi lời rao có viết rõ là „không qua môi giới”. Những văn phòng môi giới này hoạt động như thế nào? Phần lớn các trường hợp sẽ như thế này: khách hàng phải đến văn phòng, ký hợp đồng, nộp tiền lệ phí khoảng 250 PLN và đợi tin nhắn có địa chỉ các căn hộ cho thuê. Sau đó hàng giờ liền phải đi xem những căn hộ đáp ứng được yêu cầu của mình. Có gì bảo đảm là khách hàng sẽ tìm được nhà? Không. Nhưng trong hợp đồng có điều khoản rằng nếu trong vòng một tuần khách hàng không tìm được nhà thì hợp đồng sẽ được tự động kéo dài, rất thú vị là hoàn toàn không mất tiền, nhưng sau một thời gian thì những tin nhắn gửi đến cũng ít dần đi.

Thế còn xem nhà thì như thế nào? Khách hàng đến xem nhà mới vỡ lẽ ra rằng giá nhà đã tăng, cùng lúc đó trong căn hộ cũng có vài người đang thương lượng với chủ nhà. Hoặc là bạn có hẹn với chủ nhà lúc 13g30, bạn bấm cửa chỉ để biết rằng nhà đã có người thuê mất rồi. Nhu cầu thuê nhà ở Vacsava rất cao nên không phải là bạn chọn nhà mà là chủ nhà chọn mặt người đi thuê. Thậm chí nhiều lúc xảy ra những chuyện quá đáng, ví dụ như người ta tra hỏi bạn xem bạn „ăn chơi” đến mức độ nào. Tất nhiên là những điều này thường đúng với các căn hộ cho thuê tương đối rẻ. Nếu ai đủ lực để chi 2000 PLN cho một căn hộ một phòng thì người sẽ tìm được nhà một cách dễ dàng, vì mức giá đó vượt quá khả năng của số đông người đi thuê nhà.

Nếu bạn nói tiếng Ba lan trơn tru thì nhiều khả năng là bạn có thể hẹn gặp được chủ nhà qua điện thoại. Nếu bạn không giỏi tiếng thì tốt nhất là nhờ một người Ba lan nào đó giúp. Nhiều khi câu trả lời của chủ nhà khi được hỏi „Ông vẫn tìm người thuê nhà phải không?” (một câu khá dễ nói) là „Vâng”. Nhưng khi đến lúc trao đổi để hẹn gặp, thì bạn sẽ nghe thấy câu trả lời „Thực ra thì tôi đã tìm được người cho thuê rồi”. Khi hỏi lý do tại sao họ lại xử sự như vậy, chúng ta sẽ được biết là chủ nhà đã gặp nhiều trường hợp người Ucraine, Belarus hay người Nga lấy mất đồ đạc trong nhà. Thường thì người ta cho rằng người Ba lan sẽ không lừa lọc hoặc ăn trộm đồ của căn hộ cho thuê. Nhưng đó cũng là những trường hợp cá biệt.

Tôi tìm nhà mất 1 tháng rưỡi. Lúc đó tôi đang làm nghiên cứu sinh, tôi có giấy phép lao động, tôi có việc làm, có thẻ tạm trú, tôi đã ở Ba lan được 3 năm. Nhưng vì không thể tìm được nhà để thuê nên tôi quyết định sẽ trả tiền cao hơn để có được chỗ ở ổn định. Tại một số ít ỏi các cuộc gặp gỡ với chủ nhà mà tôi hẹn được, tôi đến thẳng từ nơi làm việc, tôi ăn mặc lịch sự, trang điểm đàng hoàng, đi giầy cao gót, tức là trông tôi rất đáng tin cậy, nhưng tôi có một điểm „yếu”, tôi là người của miền đông. Tôi muốn thuê căn hộ một phòng để sống một mình. Có một chỗ trên phố Racławicka, sau khi đi xem nhà và hỏi vài câu, tôi quyết định thú thật với bà chủ nhà là tôi không phải là người Ba lan, rồi hỏi bà ấy rằng đó có phải là điều gì trở ngại hay không. Bà chủ nhà có vẻ rất ngạc nhiên (tôi nói khá chuẩn tiếng Ba lan) và trả lời rằng, tất nhiên là không. Bà ấy hứa sẽ gọi điện trả lời. Rồi gọi điện để báo với tôi rằng đã cho một người khác thuê, vì người đó muốn thuê nhà một thời gian dài. Tôi muốn thuê nhà vài năm liền (tôi không đủ tiền để mua nhà), nhưng... Phải chăng bà ta tìm được người thuê nhà mình mãi mãi?

Sau một tháng rưỡi tìm nhà tôi dọn đến ở căn hộ nơi một người bạn tôi vừa dọn đi. Chủ nhà ký hợp đồng với tôi nhưng không chịu đăng ký hộ khẩu. Người chủ công ty của tôi đăng ký hộ khẩu cho tôi. Để làm được thẻ tạm trú, tôi phải có hợp đồng thuê nhà và hộ khẩu tại cùng một địa chỉ. Tại Ban quản lý người nước ngoài, người ta khuyên tôi ký hợp đồng ảo với chủ công ty nơi tôi làm việc với số tiền 1 PLN để tránh phiền phức. Tức là tôi không thể nộp hợp đồng thật, với số tiền thuê nhà thật và đăng ký hộ khẩu thật nhưng ở các địa chỉ khác nhau. Cán bộ phòng cấp thị thực không chấp nhận chuyện này, và tôi phải xoay xở giấy tờ, ký hợp đồng ảo chỉ với mục đích nộp cho Ban quản lý người nước ngoài để làm thẻ tạm trú.

Mỗi khi người nước ngoài nộp đơn xin thẻ tạm trú hoặc cư trú thì công an phường sẽ đến thẩm tra. Công an phường đến nhà chủ công ty tôi vào thứ bẩy, họ hẹn nhau như vậy nên hôm đó tôi đến nhà người chủ công ty để đón anh công an và cho anh ta xem hộ chiếu. Anh ấy là người nhanh nhẹn và hiểu ngay ra rằng tôi không sống ở đó, nhưng cũng không gây khó dễ gì cho tôi cả. Nhưng điều phi lý này còn không phi lý bằng điều tôi sẽ viết dưới đây.

Tôi làm việc ở một hãng vận tải, chúng tôi có 13 xe TIR lớn và chở hàng đến các nước miền đông (Nga, Belarus, Ucraine). Tôi không phải là người nước ngoài duy nhất làm việc ở đây. Chủ hãng nhận 4 lái xe người Belarus vào làm việc, họ đều có đăng ký hộ khẩu tại nhà của ông ấy! Vì ai cũng phải có đăng ký hộ khẩu. Công việc được tổ chức như thế này, các lái xe người Ba lan chất hàng lên xe tại các nước Tây Âu và chở hàng đến điểm trung chuyển tại ngoại ô Vacsava, sau đó những người lái xe người Belarus có thị thực cho phép họ lao động ở Ba lan (thị thực chỉ có giá trị tại Ba lan) sẽ chuyển các công-tê-nơ hàng sang xe khác để chở đi Minsk, Matxcơva, Samara, Nizny, Perm, vì họ không cần thị thực để đi đến các nước nơi có các thành phố này. Đến khi xuất hiện ý định làm thẻ tạm trú cho họ, để họ không phải chuyển công-tê-nơ hàng nữa mà có thể đi thẳng đến các nước Tây Âu để lấy hàng, rồi chở đến Matxcơva, thì cũng phát sinh chuyện phải ký hợp đồng thuê nhà cho họ. Tức là những lái xe TIR, vời một nghề không bắt họ phải thuê nhà, hay cư trú tại Ba lan, cũng phải nộp hợp đồng thuê nhà. Sẵn kinh nghiệm nên tôi thảo ngay bản hợp đồng thuê một phòng cho từng lái xe một, tại căn nhà của ông chủ yêu quý của chúng tôi (làm sao có thể gọi ông ta một cách khác được) với số tiền thuê 1 PLN và đưa cho sếp ký. Anh công an phường chỉ kiểm tra những giấy tờ này cho qua chuyện và lái xe nào cũng nhận được thẻ. Ai mà không có ông sếp như vậy thì họ biết làm như thế nào?

Những người khác thì xoay sở ra sao? Họ đăng ký hộ khẩu tại nhà người quen. Tôi biết một vài gia đình người ngoại quốc ở Vacsava làm việc này. Một hôm bạn tôi kể với tôi rằng công an phường đến nhà và hỏi anh ấy tại sao có đến 5 người được đăng ký hộ khẩu tại nhà của anh. Các cán bộ hành chính cho rằng việc thuê nhà có hộ khẩu là chuyện không tưởng và họ giúp tìm cách tránh các quy định này, nhất là khi có người đồng ý đăng ký hộ khẩu cho bạn. Tôi đang có hộ khẩu ở đâu? Ở chính nơi tôi đang ở. Làm thế nào để có được chuyện này? Người ta đăng ký hộ khẩu tạm trú cho tôi trên cơ sở hợp đồng thuê nhà „sau lưng” chủ nhà, tại ủy ban quận có người đã giúp tôi. Nếu ông ta mà biết thì sao? Tôi thậm chí không muốn nghĩ đến điều đó, nhưng tôi phải có hộ khấu để có thể cư trú hợp pháp tại Ba lan.

Điều phi lý là ở chỗ người Ba lan không muốn có những người nhập cư bất hợp pháp tại đất nước mình, nhưng cũng không muốn làm đầy đủ nghĩa vụ của họ (chủ nhà phải có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu cho người đi thuê), để người nước ngoài có thể hợp pháp hóa cư trú.

Nhiều người cho rằng chẳng ai lại đi đăng ký hộ khẩu cho người lạ. Nhưng thật ra là xóa bỏ hộ khẩu cũng đơn giản không kém gì đăng ký hộ khẩu cả, và hộ khẩu tạm trú sau một thời gian thì cũng hết hạn. Người ta cũng nói rằng cần phải làm quen với nhau đã. Sau một năm tôi lại xin chủ nhà đăng ký hộ khẩu lần thứ hai.

Tôi đã thuê nhà một năm, tôi thanh toán mọi khoản tiền, tiền thuê nhà, tiền điện, ga, nước không một chút chậm trễ. Tôi sửa ống nước trong nhà tắm và quét sơn lại tường nhà tắm bằng tiền của chủ nhà, theo sự đồng ý của ông ấy, thậm chí ông ấy còn không muốn xem hóa đơn. Tôi chuyển cho ông ấy tất cả những bưu phẩm và thư từ được gửi đến nhà. Ai cũng sẽ bảo là mối quan hệ giữa tôi và chủ nhà rất tốt. Khi tôi hỏi ông ấy về chuyện đăng ký hộ khẩu, ông ấy vẫn nói rằng „không thể làn được”. Thế là tôi lại phải bắt đầu xoay xở.

Maria Strelbicka



Ta strona korzysta z ciasteczek aby świadczyć usługi na najwyższym poziomie. Dalsze korzystanie ze strony oznacza, że zgadzasz się na ich użycie.