Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, Tenzin Gjaco, theo lời mời của Quỹ Nhân quyền Helsinki Helsińka Fundacja Praw Człowieka đã đến thăm Ba lan lần đầu tiên năm 1993. Trong thời gian cuộc thăm lần đầu tiên này, khi trả lời câu hỏi chính phủ Ba lan và người Ba lan có thể làm gì để giúp đỡ Tây tạng, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã không do dự mà yêu cầu Ba lan giúp đỡ đào tạo người Tây tạng. Chính phủ Ba lan lúc đó đã nhanh chóng đáp lại yêu cầu của Đức Đạt-lai Lạt-ma, dành cho người Tây tạng những suất học bổng đầu tiên giúp họ vào học tại Ba lan ngay trong năm sau. Bằng cách đó, năm 1994, nhờ chính phủ Ba lan và nỗ lực của nhiều cá nhân hảo tâm cũng như các tổ chức khác mà những người Tây tạng đầu tiên, một giáo viên tiếng Tây tạng và ba sinh viên đã đến với nền dân chủ trẻ tuổi của Ba lan để tiếp tục học tập tại các trường đại học. Đó là thời điểm khởi đầu của lịch sử của cộng đồng người Tây tạng tại Ba lan.

Từ năm 1993 Đức Đạt-lai Lạt-ma đã đến thăm Ba lan ba lần nữa, vào các năm 2005, 2008 và cuối tháng bẩy vừa qua, với tư cách là công dân danh dự của Vacsava. Trong những buổi yết kiến riêng cho người Tây tạng mỗi khi Đức Đạt-lai Lạt-ma đến thăm Ba lan, ông đều nhấn mạnh lòng tôn trọng và ca ngợi dân tộc Ba lan, một dân tộc đã vượt qua 123 năm vô cùng khó khăn gian khổ dưới sự cai trị của các thế lực ngoại xâm và đứng lên giành độc lập hoàn toàn, khi nước Cộng hòa Ba lan thứ 3 được thành lập năm 1989, đây cũng là năm tốt đẹp và rất đáng ghi nhớ cho Tây tạng, vì lúc đó, Đức Đạt-lai Lạt-ma đã được nhận giải thưởng Nobel Hoà bình, mặc cho chính quyền Trung quốc ra sức phản đối.

Đức Ông cho rằng, dân tộc Ba lan, với những hành trình lịch sử gian khổ của mình, có thể truyền đạt nhiều kinh nghiệm quý báu cho người Tây tạng, hỗ trợ chúng ta trong những cố gắng của chúng ta để giành được quyền tự trị trọn vẹn và thoát khỏi tay của chính quyền Trung quốc. Chúng tôi rất biết ơn những sự giúp đỡ bột pháp và rất nhiều biểu hiện đoàn kết của Ba lan và người Ba lan với Tây tạng trong thời gian đầy khó khăn này của chúng tôi.

Với tư cách của một người Vacsava nhập cư (tôi sống ở Ba lan được 15 năm, trong đó 14 năm ở Vacsava) tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo thành phố đã trao tặng cho Đức Đạt-lai Lạt-ma danh hiệu công dân danh dự năm 2009.

Sau năm 1994, trong số những người Tây tạng tiếp theo đến Ba lan một phần là đi học, một phần với tư cách là thành viên gia đình của công dân Ba lan. Hiện giờ cộng đồng người Tây tạng ở Ba lan có 17 người (12 nam, 5 nữ), người Tây tạng sống ở Ba lan nhiều nhất (khoảng 20 người) vào những năm 2005, 2006. Tiếc rằng một số trở về quê hương tại Ấn độ và Nepal, một số khác sau khi Ba lan gia nhập Liên minh châu Âu năm 2004 đã rời khỏi đây, cũng như nhiều người Ba lan khác, họ đến các nước Tây Âu.

Tôi và một số các bạn tìm được việc làm tại các cơ quan và công ty Ba lan, đó là tiến sỹ phật giáo khoa phương đông học tại trường đại học tổng hợp UW (Vacsava) và UAM (Poznan), bác sỹ trong giai đoạn hoàn thiện chuyên khoa y học gia đình tại CSK phố Banacha, Vacsava và phòng khám tư nhân của CARITAS giáo khu Vacsava – Praga, kỹ sư điện tử hãng LG, giáo viên tiếng Tây tạng trường trung học xã hội phố Raszyńska và nhân viên quầy bar nhà hàng Dziki Ryż tại Vacsava. Nhiều người hiện đang học đại học hoặc trung học, một số chúng tôi có doanh nghiệp riêng (phòng khám chữa bệnh y học cổ truyền Tây tạng, cửa hàng bán đồ Tây tạng), quảng bá cho văn hóa và truyền thống Tây tạng. Tiếc rằng một số người không có việc làm ổn định, thường do họ không biết tiếng Ba lan.

Tôi rất biết ơn dân tộc Ba lan đã cưu mang tôi và nhiều người Tây tạng khác, mặc dù đó là những sự giúp đỡ tốn kém, ý tôi là các suất học bổng. Tất cả những gì tôi đạt được trong cuộc sống là nhờ có nhà nước Ba lan. Từ một năm nay tôi có quốc tịch Ba lan. Tôi rất lấy làm vinh dự, và đồng thời cảm thấy mình phải có trách nhiệm phục vụ nước Ba lan và người Ba lan một cách tốt nhất. Tôi chắc chắn rằng sáu người bạn của tôi, những người cũng đã có quốc tịch Ba lan cũng nghĩ như vậy.

Không cần phải bàn cãi, tiếng Ba lan rất khó, nhưng đối với tôi, đây là một ngôn ngữ đặc biệt thú vị và tôi luôn thấy thoải mái khi học nó. Tôi tốt nghiệp ngành y bằng tiếng Ba lan, hiện giờ tôi làm việc trên cương vị của bác sỹ gia đình. Công việc này không thể thực hiện được khi không giỏi tiếng Ba lan. Nhưng phần lớn các bạn tôi khá chật vật với thứ tiếng này. Nói thật ra, không thể học thứ tiếng này một mình được. Phát âm không phải là vấn đề gì cho người Tây tạng, vì phần lớn các âm trong tiếng Tây tạng cũng tương tự như tiếng Ba lan, nhưng để nói được một cách súc tích mà không biết ngữ pháp thì sẽ rất khó.

Ở Ba lan Hội liên hiệp Cộng đồng Tây tạng đã đi vào hoạt động, tiếc rằng chưa chính thức từ 3 năm nay. Mục tiêu chính của hội là:

1. Gìn giữ và giới thiệu truyền thống, văn hóa và di sản văn hóa của Tây tạng.

2. Quảng bá kiến thức về Tây tạng và người Tây tạng trong và ngoài Ba lan.

3. Hoạt động vì người Tây tạng trong và ngoài Ba lan.

4. Hoạt động vì Tây tạng và truyền đạt mọi ý tưởng và chỉ thị của Đức Đạt-lai Lạt-ma, cũng như của Chính Phủ Tây tạng Lưu vong.

5. Mọi hoạt động khác vì các cộng đồng người Tây tạng.

6. Quảng bá lý tưởng hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ Tây tạng và người Tây tạng trong những nỗ lực tiến đến việc giành được quyền tự trị.

Tất cả người Tây tạng ở Ba lan, trừ một nữ sinh viên đang học tại Kraków, sống ở Vacsava. Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ lẫn nhau, nhưng hiện nay chúng tôi không có một địa chỉ gặp gỡ cố định. Vì thế mà địa điểm tốt nhất cho các cuộc gặp gỡ là Nhà Tây tạng Dom Tybetański Acala tại Stara Miłosna và cửa hàng Sklep Tybetański (phố Hoża 40). Nhờ có sự hỗ trợ và lòng hiếu khách của bà hiệu trưởng trường trung học phố Raszyńska, người luôn cho chúng tôi mượn địa điểm khi chúng tôi yêu cầu, mà chúng tôi thường xuyên có thể gặp nhau trong nhiều buổi lễ hội tại đây, trường cũng là nơi có nhiều nữ học sinh Tây tạng theo học. Trường trung học này rất tích cực hỗ trợ Tây tạng và người Tây tạng chúng tôi.

Chúng tôi có 3 ngày lễ quan trọng và trong những ngày này chúng tôi luôn cố gắng tổ chức những cuộc họp mặt lớn để có thể kỷ niệm những ngày lễ này một cách thích hợp. Ngày lễ quan trọng nhất của mỗi người Tây tạng, do tình hình chính trị hiện nay là 10 tháng Ba, Ngày Khởi nghĩa Dân tộc của Tây tạng, kỷ niệm những sự kiện từ năm 1959, khi chính quyền Trung quốc chiếm đóng Tây tạng, đàn áp tàn bạo và đẫm máu cuộc khởi nghĩa của chúng tôi.

Ngày lễ quan trọng thứ hai là 6 tháng Bẩy, ngày sinh của Đức Đạt-la Lạt-ma thứ XIV, Tenzin Gjaco (tiếng Tây tạng có nghĩa là Đại dương của sự Thông thái), người mang nhiệm vụ lãnh đạo Tây tạng trong thời gian khó khăn nhất trong suốt lịch sử 2000 năm của dân tộc. Ngày hôm đó, cùng với những vị khách mời (thường là những người trong gia đình chúng tôi, bạn bè thân thiết, cá nhân và chính khách có quan hệ mật thiết với Tây tạng) chúng tôi chia sẻ niềm vui và tổ chức buổi kỷ niệm ngày sinh của Đức Đạt-lai Lạt-ma một cách tượng trưng. Trong năm nay, chúng tôi đã tổ chức ngày lễ sinh nhật đó tại trường phố Raszyńska 20.

Ngày lễ quan trọng thứ ba là Năm mới (tiếng Tây tạng Losar), theo lịch âm Tây tạng thường rơi vào cuối tháng Hai, đầu tháng Ba dương lịch. Chúng tôi cố gắng kỷ niệm ngày lễ này theo phong tục, bắt đầu từ ngày cuối của năm cũ. Hai ngày cuối cùng của năm cũ là lúc chúng tôi từ giã năm đó, chúng tôi thực hiện nhiều nghi lễ trừ tà khỏi ý thức của mình, nhà của mình, giành thời gian để suy nghĩ về bản thân, điều này giúp chúng ta tập trung năng lượng mới, đặt cho bản thân những mục tiêu mới trong năm mới. Việc kỷ niệm ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu từ nửa đêm, với những lời chúc tết trong gia đình trước bàn thờ được bầy biện đặc biệt cho dịp năm mới. Sau đó chúng tôi cùng nhau thưởng thức những món ăn của ngày tết. Ở Tây tạng, lễ tết kéo dài 15 ngày, vào ngày thứ 15, một ngày hội phật giáo nữa, gọi theo tiếng Tây tạng là MONLAM CZENMO, tức là khi quần chúng đông đúc tụ hợp để tập trung cầu nguyện đến mức cao độ, kết thúc bằng một lễ hội chính thức. Những ngày lễ này chúng tôi kỷ niệm một cách khiêm tốn, trong vòng một, hai ngày, Năm nay, theo lịch Tây tạng là năm thứ 2136. Trong năm 2010, ngày đầu của năm mới, năm Canh Dần 2137 sẽ là ngày 14 tháng Hai. Vì thế mà chúng tôi sẽ có ngày lễ kép (Năm mới và ngày Valentine).

Tasi Delek, tức là chúc mọi sự tốt lành theo tiếng Tây tạng!

Bác sỹ Yeshi Lhosar.