Văn hóa Nhật bản được người Ba lan đón nhận như một hiện tượng đặc biệt. Có cảm giác là văn hóa Nhật không cần người đại diện của mình để có thể lan tỏa ở đây - và với quy mô rộng lớn như thế nào! Chỉ cần ra bất cứ con phố nào của Vacsava là có thể thấy vài quán sushi.
Phần lớn các quán bar này thậm chí còn không do người Nhật quản lý, và các món ăn được chào bán tại đây càng ngày càng ít giống hình mẫu đầu tiên hơn. Có việc gì đâu - miễn là vẫn được gọi là sushi! Ở Vacsava càng ngày càng có nhiều trường học có môn tiếng Nhật trong chương trình và càng ngày càng có nhiều người muốn học. Truyện tranh Nhật manga rất được người Ba lan ưa chuộng. Không dễ tìm được người Vacsava trẻ tuổi nào mà lại không biết phim của Kurosawa, nhưng càng khó hơn để tìm được ai đó không xem phim hoạt hình Nhật anime. Rất đông người đến dự các cuộc gặp mặt của các fan hâm mộ cosplay, nơi mà - theo mẫu những người bạn đồng lứa từ khu phố Harajuku ở Tokyo, họ trưng diện những bộ đồ "mượn" từ văn hóa pop của Nhật bản. Số sinh viên đăng ký học ngôn ngữ Nhật tăng hàng năm. Văn hóa Nhật lan tỏa nhanh một cách đáng kinh ngạc. Quá trình này - có thể là bây giờ đang ở đỉnh cao, đã bắt đầu từ 100 năm về trước.
Người Nhật đầu tiên đặt chân đến Ba lan cuối thế kỷ 19. Đó là thiếu tá Fukusjima Yassumasa, khi thu thập tài liệu về quân đội châu Âu, trước hết là quân đội Nga hoàng, đã một mình chinh phục Siberia trên lưng ngựa. Có thể hình dung được ấn tượng ông gây ra với người Ba lan. Đầu thế kỷ 20, người Ba lan quan tâm đến Nhật bản nhiều hơn. Những vở kịch của nhà hát Kawakami và Sada Yakko, buổi biểu diễn của Hanako đã thành công rực rỡ. Nhà hát kabuki đến Ba lan lần đầu tiên và cho đến bây giờ cũng là lần duy nhất. Người Ba lan càng ngày càng đam mê thẩm mỹ Nhật bản, nhiều tác phẩm đã ra đời từ cảm hứng về nghệ thuật Nhật bản, văn học Nhật cũng được dịch ra tiếng Ba lan. Mối quan hệ Ba lan - Nhật trở nên mật thiết hơn đặc biệt trong giai đoạn chiến tranh Nhật - Nga (1904 - 1905). Năm 1919, Nhật bản chính thức công nhật nền độc lập của Ba lan, điều này đồng nghĩa với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Thậm chí sau khi đã cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1941, Ba lan và Nhật vẫn tiếp tục hợp tác. Trong chiến tranh, lãnh sự Nhật tại Vilnius Sugihara Chiune đã cứu sống 6000 người Do thái Ba lan khi cấp cho họ visa quá cảnh đến Nhật.
Hiện nay có khoảng 800 người Nhật sống tại Ba lan nhưng phần lớn họ không định cư ở đây. Trong số này có nhân viên các công ty Nhật được cử đến làm việc tại các chi nhánh ở đây, nhà kinh doanh có các dự án đầu tư và sinh viên. Tuy vậy, tôi rất khó trả lời cầu hỏi có tồn tại hay không một cộng đồng người Nhật tại Ba lan. Phần lớn người Nhật không có nhu cầu giữ liên lạc với người đồng hương của mình. Khi tôi hỏi họ có biết những người Nhật khác hay không, họ trả lời rằng họ không giữ quan hệ. Họ thích làm bạn với người Ba lan hơn.
Người ta hay nói rằng Nhật bản kết hợp truyền thống với hiện đại. Đúng. Ở một trong những quốc gia hiện đại nhất thế giới vẫn tồn tại một cơ cấu xã hội truyền thống dựa trên hình thức và thứ bậc. Trong tiếng Nhật, cấu trúc câu thay đổi phụ thuộc vào việc chúng ta nói với người đứng ở vị trí cao hơn hay thấp hơn trong xã hội. Trong giao tiếp thông thường, lúc nào cũng phải dùng cách nói lễ phép. Cách cư xử không thể vượt ra ngoài các quy tắc khắt khe, không còn chỗ cho sự bột phát hoặc thể hiện tình cảm cá nhân. Rất nhiều người Nhật không chịu được sự gò bó này và thường xuyên phải ra nước ngoài. Điều tôi đánh giá cao tại Ba lan - ngoài sự yên bình và không gian rộng lớn - là sự cởi mở và khiêm nhường của người Ba lan. Đồng thời nhiều nghệ sỹ Nhật bản được toại nguyện trong sáng tác nghệ thuật tại đây nhiều hơn là ở chính quê hương mình. Những nghệ sỹ trẻ Nhật gặp rất nhiều khó khăn trong sáng tạo và cuộc sống tại Nhật. Họ phải chi tiêu rất nhiều. Người nhạc sỹ chẳng hạn, phải trả tiền cho buổi hòa nhạc mà thường lại không nhận được tiền thù lao. Anh ta cũng phải để ý đến các nghệ sỹ lớn tuổi hơn và nổi tiếng hơn. Cách tốt nhất để giành được trọng vọng ở Nhật là đi tìm cơ hội ở nước ngoài, và khi đã thành công tại đó, trở về tổ quốc trong hào quang và danh tiếng.
Neiro đến Ba lan vài tháng trước - cuối cùng thì anh cũng nhận được thị thực cho phép anh sống tại đây trong vòng một năm tới. Anh xuất thân tại Kamakury, thủ đô Nhật thời trung cổ, một thị trấn nhỏ đẹp tuyệt vời không xa Tokyo. Ở Nhật, anh học kịch câm theo trường phái Tomaszewski. Anh gắn tương lai của mình với môn nghệ thuật này. Anh đã thử làm việc ở Nhật nhưng không thể chịu được sự hà khắc mà các nhân viên phải chịu đựng. Cuối cùng thì anh cũng đạt được ước mơ đến Ba lan.
Rui là vũ công múa butoh và là một ví dụ tuyệt vời cho một người Nhật yêu Ba lan và yêu cô gái Ba lan. Anh giảng dậy, biểu diễn tại Vacsava và tuy chưa nói được tiếng Ba lan, thường xuyên hợp tác với người Ba lan. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, anh lấy cảm hứng từ các nghệ sỹ như Kazuo Ono và Min Tanaka (butoh), Simene Forti (múa đương đại), Naguma Nakamura (ba lê cổ điển, múa đương đại).
Koji Kamoji là người Nhật có thời gian sống lâu nhất tại Ba lan. Anh đến đây năm 1959, do được bác ruột, một người đã sống tại Vacsava 18 năm thuyết phục. Sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Vacsava, Koji liên tục sáng tác và triển lãm các tác phẩm của mình. Trong thời điểm hiện tại, anh là nghệ sỹ Nhật sống tại Ba lan được đánh giá cao nhất.
Có thể tìm được vô vàn các ví dụ tương tự, nhưng cũng cần phải nhắc đến các cơ sở Ba lan có nhiều hoạt động quảng bá cho văn hóa Nhật bản. Tôi muốn nhấn mạnh đến các cơ sở - bất chấp mốt văn hóa pop của Nhật đang áp đảo, cố gắng truyền bá tại Vacsava văn hóa Nhật truyền thống.
Hội Sunshinkai thực hành Đường Trà theo truyền thống Urasenke. Trưởng hội là Urszula Mach, người Ba lan đầu tiên nhận được tên trà và tư cách thầy giáo nghi lễ pha trà. Đường Trà là một trong những truyền thống đẹp nhất của Nhật. Nhờ sự yên bình và nghèo đói nằm ở cốt rễ của truyền thống này mà nay nó đã trở thành nghệ thuật, giúp dứt khỏi nhịp sống vội vã của cuộc sống hàng ngày. Một tổ chức nữa được tôi đánh giá cao là Ryokurankai. Được thành lập dưới dạng chi nhánh của trường Kita-ryu, do nghệ sỹ bậc thầy Akira Matsui, thực hành nhà hát nō có truyền thống từ thời trung cổ. Học trò của ông - Jakub và Yōko Karpoluk dẫn dắt nhóm. Đây là nhóm nghệ thuật duy nhất tại Đông Âu thực thành hình thức nghệ thuật sân khấu đặc biệt này. Quỹ Nghệ thuật Marebito từ vài năm nay tổ chức liên hoan nghệ thuật hàng năm mang tên Mùa Xuân Nhật bản (Japońska Wiosna), trong chương trình có các buổi tập huấn và biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhật bản. Trong năm nay, chương trình của liên hoan nghệ thuật bao gồm tập huấn múa và thanh nhạc sân khấu nō, do chính thầy Akira Matsui dẫn dắt, tập huấn viết thơ haiku và biểu diễn múa nō, butoh và nihon buyō. Vở kịch sân khấu cuối cùng do Marebito tổ chức có tên "Opowieść o kobiecie, która tańczyła/ Truyện về người đàn bà đã múa" kết hợp các điệu múa truyền thống Nhật bản. Nếu phải nhắc đến các liên hoan gắn liền với văn hóa Nhật bản, không thể bỏ qua Japoński Październik/ Tháng Mười Nhật bản tại lâu đài "Pałac w Wilanowie" tại Wilanów. Chương trình liên hoan văn hóa tại đây có vẻ đẹp độc đáo, khi nghệ thuật truyền thống Nhật được trình diễn trong không gian kiến trúc ba rốc của lâu đài.
Những cơ quan, tổ chức được tôi nhắc đến chỉ là một phần nhỏ các cơ sở gắn liền với văn hóa Nhật bản và hoạt động tại Vacsava. Theo tôi đó là các cơ sở thú vị nhất, nhưng lại ít nổi tiếng nhất. Tuy vậy, không thể bỏ qua Phòng Thông tin và Văn hóa ĐSQ Nhật bản hay Trung tâm SOTO, cơ sở tổ chức các liên hoan thường niên gắn liền với Nhật bản. Các sự kiện quảng bá cho văn hóa Nhật bản tại Vacsava càng ngày càng nhiều hơn và không thiếu công chúng sẵn sàng tham gia. Thậm chí Lục địa Vacsava/ Kontynent Warszawa cũng nhập cuộc trong tháng này. Ngày 20 tháng Mười Một tới, một bữa tiệc sẽ được tổ chức tại câu lạc bộ Sen Pszczoły/ Giấc mơ của ong với tên gọi Warszawa Japońska/ Vacsava Nhật bản. Mời các bạn tham dự!
Hana Umeda