Hình như cứ 100 người sống tại Vacsava thì một là người Việt nam.

Đúng vậy, không có con số thống kê chính xác số dân gốc Việt của Vacsava (vì chẳng nhẽ lại tiến hành thử gen DNA đại trà?), nhưng đó là một con số đáng kể. Tuy sự khởi đầu rất khiêm tốn, một nhóm sinh viên Việt nam cưới vợ người Ba lan (và lấy chồng người Ba lan, điều này cũng không kém hiển nhiên). Họ thành lập Hội Xã hội – Văn hóa của người Việt tại Ba lan, một thời gian có trụ sở tại nhà hàng Bông Sen ở phố Poznańska 12. Đó là nhà hàng ẩm thực Việt nam đầu tiên của Vacsava. Hương vị Á Đông tại ngay trung tâm Vacsava cuối những năm 80 của thế kỷ trước thật sự là một điều mới lạ! Có thể ở đây cũng có sổ góp ý cho khách hàng, tôi không rõ lắm, nhưng nếu các bạn chưa đến đó, thì hãy đọc này. Đây là ý kiến có từ thế kỷ 21, tức là trên mạng: Nội thất có vẻ xuềnh xoàng, người giữ quần áo và các nữ nhân viên phục vụ làm người ta nghĩ đến thời cộng sản (PRL), nhưng không khí lại rất dễ chịu. Thức ăn rất ngon, các bạn hãy thử món thịt gà nấu theo kiểu Việt, được ướp gia vị rất tuyệt; Phục vụ tuyệt vời. Tôm và món thịt rán Henryk IV ngon cực. Hãy để ý đến một đầu bếp thích nấu rất cay.

Các bạn thấy đấy, nhà hàng Việt nam đầu tiên khai trương tại Vacsava từ thế kỷ trước. Và Bông Sen là nhà hàng Việt lâu đời nhất tại Ba lan, còn Hội Xã hội – Văn hóa của người Việt, được thiết lập năm 1996 là tổ chức lâu đời nhất của người Việt tại Ba lan. Trong một thời gian dài, chủ tịch hội là ông Trương Anh Tuấn, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Vacsava năm 1983. Sau khi ra trường, ông lấy vợ người Ba lan, ở lại Ba lan, đi làm ở nhiều nơi, cuối cùng thì làm quản lý nhà hàng Đông Nam không xa quảng trường plac Konstutucji. Số 45 phố Marszałkowska trở thành nơi người Việt tổ chức đám cưới, địa điểm gặp gỡ bạn bè, nơi người Việt đón năm mới và... phòng triển lãm nghệ thuật! Ông Tuấn dành một phòng để trưng bầy tranh, ảnh, tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt nam và các nước Viễn đông khác. Chính vì những hoạt động „bên lề” đó mà ông Trương Anh Tuấn đã nhận được Order Zasłużonego Działacza Kultury - huân chương dành cho những nhà hoạt động văn hóa có công do bộ trưởng Bộ Văn hóa và Di sản Dân tộc trao tặng. Hãy dành chỗ cho văn hóa, đó là khẩu hiệu của thời đại tiêu dùng. Thế là ngày tháng trôi qua một cách yên lành, cho đến khi ông Tuấn đem về Vacsava mấy cô đầu bếp người Thái lan xinh đẹp. Ông Tuấn yêu một cô trong số họ và từ đó, Đông Nam trở thành Trung tâm Nghệ thuật Thái lan... không chỉ riêng Ẩm thực! Hãy trở thành những người công dân đa dân tộc của thế giới, Làng Toàn cầu đang bước dồn dập đến gần Vacsava!

Cũng như ông Trương Anh Tuấn, Bùi Ngọc Hải là sinh viên của một trường đại học Ba lan, Không chỉ đi học, ông còn là một người thầy, một trong những người dậy võ thuật Trung quốc đầu tiên tại Ba lan. Không nhận được huân chương, ngược lại, ông bị chính phủ Việt nam đuổi học khỏi trường và cấm không được trở về quê hương. Ông trốn tại nhà một người hoạt động dân chủ chống đối chính phủ cộng sản thời bấy giờ. Một nữ hoạt động của phong trào Đoàn kết (Solidarność) đã giấu ông ấy một cách hiệu quả đến mức cuối cũng đã trao... không, không phải ông Hải, mà là con gái của chính mình cho ông làm vợ. Hơn 20 người đã làm chứng cho cuộc hôn nhân đó, vì ông Hải không có hộ chiếu, cũng chẳng có bất cứ một giấy tờ tùy thân nào cả. Bằng cách đó, cuộc hôn nhân được công nhận... Hai vợ chồng trẻ di cư sang Pháp năm 1982. Ở đó, Bùi Ngọc Hải mở trường dậy Wu Shu và giành chiến thắng tại nhiều giải vô địch Pháp và châu Âu trong môn Wu Shu và Tai Chi Chuan. Năm 1996, cùng với vợ và hai con gái, ông quay trở về Ba lan sinh sống. Bắt đầu từ đó, ông dậy và quảng bá võ thuật Trung quốc tại thủ đô của chúng ta một cách rất có hiệu quả, để „quốc võ” là Việt Võ đạo phải bơ vơ. Vì thế mà môn võ Việt nam này lại được chính những người Ba lan gốc đại diện và quảng bá tại Ba lan!

Nhưng Nam, vì mọi người biết ông Hải dưới cái tên này, không chỉ sống bằng nghề dạy võ. Ông đóng kịch và phim truyền hình. Hùng, vai của ông trong „Vua Phố” là một anh đầu bếp vui tính, chủ một quán bar Việt nam, người „rất đau khổ cho số phận của những người nhập cư đến từ vùng Viễn đông”. Cũng như Nam, anh Hùng yêu thích môn thái cực quyền và đã nhiều lần cho bọn quân khu cạnh nhà vài bài học đáng nhớ. Anh làm việc tại quán từ sáng sớm đến tối mịt, nhưng vẫn chưa giầu lên được. Chính các bạn, những vị khách sành điệu của những hộp đêm, quán bar hay những nhà hàng sang trọng, có thể giúp anh ấy. Hãy bình chọn „Vua Phố”, ở những tập sau, Hùng có cơ hội mở trường Wu Shu của chính mình. Nhiệm vụ này còn dễ dàng hơn khi Thịnh, người em họ của Hùng (do chính tác giả của bài viết này đóng) là một nhà kinh doanh tháo vát, chủ một „công ty vệ sinh”. Ừ thì cũng phải có ai đó dọn dẹp để người khác có thể có lương tâm trong sạch chứ!

Từ trước đến giờ tôi chỉ nói đến các nam sinh viên, thế còn nữ thì sao? Trong những năm 50 (tất nhiên là của thế kỷ trước) những nữ sinh viên Việt nam đầu tiên đến Ba lan học tập và họ cũng lấy chồng người Ba lan. Tỷ lệ sinh viên Việt nam lấy chồng Ba lan rồi ở lại nhiều đến mức người ta đã không gửi phụ nữ đi học ở Ba lan nữa. Trong một thời gian dài, ở Ba lan chỉ có sinh viên nam (xin nhấn mạnh – toàn nam giới) học mà thôi. Vì thế mà Lê Hoa, người xuất bản tạp chí Progresiff – tạp chí hàng tháng hình như không chỉ dành cho sinh viên – học đại học ở Bulgari. Ở đó Hoa lấy chồng - tất nhiên, người Ba lan khi anh ấy làm việc tại Bulgari. Đấy, hai dân tộc của chúng ta thích yêu là thế! Và những nữ sinh viên Việt luôn luôn giành được những gì họ muốn! Những chàng trai Ba lan có nhiều vitamin nhất, phải không ạ?

Không phải là cứ gia đình Việt nam nào cũng phải là Việt-Ba! Thực tế thay đổi hoàn toàn sau năm 1989. Cộng đồng người Việt tại Ba lan lớn nhanh như thổi. Có thể nói là những nhà kinh doanh Việt gặp thời, họ „có cần câu chứ không phải chỉ có cá” (theo cách nói của người Ba lan – người dịch). Các bạn đừng ngạc nhiên khi nghe đến Liên đoàn Bóng đá Việt nam với 8 đội bóng (trong những năm tháng rực rỡ nhất), còn bây giờ có 5 đội. Liên đoàn Quần vợt Việt nam hoạt động tại Hala Mera tổ chức nhiều giải thi đấu và khá mặn mà trao giải thưởng. Việc những tổ chức như Hội Liên hiệp người Việt tại Ba lan „Đoàn kết và Hữu nghị” hay Trung tâm Văn hóa „Thăng long” được thành lập chỉ còn là vấn đề thời gian (hai hội này được thành lập năm 1999 và 2003). Trung tâm Văn hóa „Thăng long” khởi đầu từ một sáng kiến cá nhân, mọc lên tại phố Zamoyskiego 4, gần Sân vận động Mười Năm. Trong những điều kiện còn hạn chế, nói đúng hơn là tạm thời, người ta đã mở phòng máy tính hòa mạng, đặt bàn bóng bàn, chơi bi-a, điểm cho thuê váy cưới và trang phục dân tộc, nhà hát múa rối nhỏ với một nghệ sỹ thực hiện và trước hết là vài phòng karaoke. Hàng ngày, cứ đến chiều, sau khi kết thúc công việc tại chợ gần đó là người Việt đến đây, say sưa hát những bài hát Việt hay ngoại quốc. Đạo diễn Maciej Migas khi quay phim tại quán bar bỏ không tại Trung tâm rất ngạc nhiên. Ông nói với tôi rằng đây phải là trò giải trí dân tộc! Kệ cho họ muốn nói gì thì nói! Các diễn viên của quỹ Arteria thì phát hiện ra rằng người Việt nào cũng là một nhà thơ. Bản thân tôi, sau khi xem những người đồng hương biểu diễn trong các đám cưới của chính mình, hay của người khác, thì cho rằng, người phụ nữ Việt nam nào cũng là ca sỹ.

Bài viết: Ngô Văn Tưởng, tháng 12.2006