Tôi sống ở Vacsava đã được 4 năm. Tôi học tiếng Ba lan từ năm 1996. Tôi học từ khi còn ở Tokyo, đầu tiên là tự học, với sự giúp đỡ của các sinh viên trong trường, họ đến từ nhiều nước châu Âu khác nhau. Người thầy đầu tiên của tôi là một cô giáo người Ba lan, cô học tiếng Nhật tại trường Đại học Oxford ở Anh. Sau khi nhận học bổng của chính phủ Nhật dành cho các sinh viên Anh, cô đến học ở Tokyo.
Sau khi cô ấy về Anh, thầy giáo của tôi là một người Áo đến từ Vienna. Tôi có cảm tưởng rằng anh ấy phải có nguồn gốc Ba lan, vì đuôi họ của anh ấy không là sky như người Nga, mà là ski theo kiểu của Ba lan. Tôi hỏi anh từ đâu đến. Anh ấy trả lời rằng, từ Vienna. „OK, nhưng họ của anh nghe như là của người Ba lan”. „Ừ, đúng rồi. Bố tôi khi sang Vienna làm việc tại đại sứ quán đã quyết định bỏ trốn ở lại... Gia đình tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Ba lan”.
Ở Nhật, cũng như ở Anh, năm học mới và năm tài chính mới bắt đầu vào tháng tư. Tokyo lúc đó tràn ngập hoa anh đào nở, buổi tối, dưới bóng những cây anh đào đang nở hoa, người Nhật tụ tập làm những buổi tiệc nho nhỏ ngoài trời. Họ uống nhiều rượu, ăn đồ nóng mua ở nhà hàng hay các quán pizza ăn nhanh tự phục vụ. Chỉ có trong thời gian này, công an mới sẵn sàng dìu những người say rượu đến nhà vệ sinh công cộng tạm thời được đặt tại các vườn hoa. Tháng tư ở Nhật thật là vui, ai cũng tràn đầy hy vọng cho một năm học mới tốt đẹp, một năm kinh doanh mới thành công.
Tôi hít vào lồng ngực làn không khí xuân hơi ẩm, dịu nhẹ của vịnh Tokyo, ngồi nghe câu chuyện của anh bạn người Áo gốc Ba lan. „Abril brisé” („Tháng tư vỡ”) – đầu đề cuốn tiểu thuyết của Ismail Kadaré, nhà văn người Pháp gốc Albany, cuốn truyện lúc đó đã được xuất bản tại Nhật, tự nhiên hiện lên trong đầu tôi. Từ bỏ đất nước mình vì lý do chính trị - những lời nói của anh bạn người Áo chẳng ăn nhập gì với không khí vui tươi, yên bình của tháng tư.
Bằng cách đó mà dần dần tôi quan tâm nhiều đến Ba lan hơn. Cho đến một hôm tôi tìm thấy bản quảng cáo khóa học tiếng Ba lan tại một trường tư. Tôi ghi tên xin học. Ở đó tôi đã làm quen được với nhiều người bạn hay, và tôi quan tâm đến những điều bí mật của đời tư của họ hơn là ngôn ngữ. Tôi có thể khẳng định rằng đây mới chính là nguyên nhân tôi tiếp tục học tiếng Ba lan. Nhưng đó sẽ là chủ đề cho một bài viết tiếp theo.
Mười năm trôi qua kể từ ngày tôi làm quen với tiếng Ba lan, đến khi tôi nhận được học bổng của chính phủ Nhật, và tôi đến Ba lan tháng 10 năm 2005, lúc này không còn với tư cách là một khách du lịch nữa, mà là một nhà nghiên cứu khoa học. Tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên thật sự tại nhà nội trú Jelonka nổi tiếng, nơi vẫn còn những ngôi nhà gỗ xây cho công nhân từ Liên Xô cũ đến làm việc tại Ba lan trong thời gian xây dựng Cung Khoa học và Văn hóa (PKiN). Tôi rất mừng, vì tôi được sống ở Ba lan và không phải đếm từng ngày đến lúc trở về Tokyo. Để có thể học tiếng tốt hơn, ngay từ những ngày đầu tiên ở đây tôi đã tìm đến hiệu sách. Chẳng cần lâu hơn 2-3 phút để tôi nhận ra một sự thật đau lòng rằng tôi không thể đọc được phần lớn các cuốn sách bán ở đây vì tôi không đủ vốn từ. Khi người ta không biết làm gì, họ sẽ đi tìm những biện pháp thay thế. Mắt tôi tìm thấy ngay những tấm bìa sách đầy mầu sắc của Murakami. Cho đến lúc đó tôi không hiểu được tại sao truyện của Murakami lại bán chạy đến như thế ở Ba lan. Sau khi đọc xong một vài truyện, tôi đặt ra lý thuyết cho rằng, nhà văn lợi dụng những lo sợ bị trừng phạt quen thuộc của chúng ta.
Murakami thường chọn những người bình thường (thậm chí là ngoài lề xã hội) làm nhân vật của mình. Ví dụ như trong truyện "Người tình Sputnik" (tiếng Anh: Sputnik Sweetheart): giáo viên trung học, cô gái không có bằng đại học và người đàn bà cô đơn, giầu có, chủ nhân của một hãng buôn, đến từ bán đảo Triều tiên (trong lịch sử Nhật, người ta thường coi những người nhập cư từ Triều tiên như công dân hạng hai). Trong một trường hợp cực đoan, dễ thấy trong „Sau nửa đêm” (tên nguyên bản tiếng Nhật là ‘afutaa daaku’, tức là „after dark” (sau khi trời tối) nói giọng Nhật), nhân vật là: cựu vận động viên võ thuật, cô gái gọi người Trung Quốc. Đây chính là chiến lược của nhà văn. Những người bận rộn đã biết đến tiếng tăm của Murakami, khi xem qua truyện của ông tại hiệu sách sẽ thấy rằng nhân vật trong truyện là những con người bình dị, họ thấy mến những nhân vật này, hoặc họ thông cảm cho số phận của những nhân vật đó. Không suy nghĩ gì nhiều, họ đến quầy thanh toán trả tiền. Chuẩn! Mở truyện ra ta sẽ thấy rằng trong thế giới của ông Murakami, những nhân vật thường bị một sức ép không tưởng nhưng tuyệt đối hành hạ. Nó rơi xuống đầu các nhân vật một cách bất ngờ, như phân chim bồ câu rơi xuống áo măng tô vậy. Hình phạt rất nặng. Nhiều nhân vật trong các cuốn truyện này phải chết. Người đọc lúc đó cũng cảm thấy mình trở nên đáng nghi ngờ, và để tránh phải gặp những hình phạt, họ muốn kết thúc truyện thật nhanh, để biết rằng kết cục của truyện là gì. Và những kỳ nghỉ hè tại Majorca hay Mazury kết thúc như vậy.
Xin chúc mọi sự tốt lành, bạn đọc của tôi, và các bạn hãy đọc Murakami đi, để trong chốc lát đi vào thế giới của những hình phạt và sống lại sau khi đã trải qua sự sợ hãi, nó cũng giống như trải nghiệm một hình thái ban đầu của sự đầu thai trong đạo Phật.
Thông tin thêm:
Tôi xin kính báo rằng, trình độ tiếng Ba lan của tôi ngang với trình độ của một học sinh lên tám.