Cộng đồng người Việt đã có mặt tại Vacsava cách đây 50 năm. Theo thời gian, số công dân Việt nam sống tại thủ đô Ba lan càng tăng dần. Người Việt gắn kết với nhau thành một nhóm dân cư một cách chặt chẽ, có tổ chức tốt, trong con mắt của người Ba lan, đó là một cộng đồng đóng kín và tự cách biệt mình. Vacsava có một trung tâm văn hóa Việt nam, một ngôi chùa Việt nam, giải bóng đá Việt nam và Hội Phụ nữ Việt nam. Thỉnh thoảng, cuộc thi bình chọn Miss Việt nam tại Ba lan lại diễn ra, những buổi biểu diễn âm nhạc của các nghệ sỹ Việt nam với mục đích từ thiện cũng được tổ chức tại Hội trường Lớn/ Sala Kongresowa, giới trẻ Việt có tiệc đêm định kỳ riêng của mình, còn người Việt theo đạo Phật cũng thường xuyên gặp gỡ nhau.
Những hoạt động kể trên, cũng như các sự kiện khác trong một chừng mực nào đó quảng bá cho văn hóa Việt nam và tạo điều kiện để người Việt có thể tiếp xúc với văn hóa, nhưng điều này chỉ dành riêng cho người Việt. Trung tâm Văn hóa Việt nam Thăng Long đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng người Vacsava thực sự không tiếp cận được. Lý do thứ nhất là người Vacsava thường không biết địa chỉ của trung tâm. Thêm vào đó, ngay cả khi họ tìm được đến nơi thì không ai mở cửa cho họ vào xem các hiện vật trưng bầy. Lý do cuối cùng, nếu như một người Vacsava có bạn là người Việt dẫn vào (sau khi đã liên lạc điện thoại với những người trông coi Trung tâm), thì cũng không có ai có thể giới thiệu được một cách dễ hiểu và rành mạch những gì có tại đây. Ngôi Chùa Một Cột tại Vacsava - bản sao của Chùa Một Cột của Hà nội - nơi gặp gỡ của người Việt theo đạo Phật là một địa điểm kỳ diệu, tưởng chừng không thể tồn tại trên bản đồ quận Praga. Khuôn viên có một không hai và đầy màu sắc của Châu Á này được bao bọc bởi tường gạch và cánh cổng đóng kín. Cư dân quận Praga, những người hàng xóm không hề biết họ đang sống bên cạnh một kho báu quý giá như thế nào. Thế nên văn hóa Việt nam, cả cổ truyền lẫn hiện đại, mặc dù có mặt tại Vacsava, nhưng ẩn mình, giấu mặt, không ai nhìn thấy được.
Những vị đại sứ thực sự của văn hóa nghệ thuật Việt nam tại Vacsava không phải là người Việt mà chính là người Ba lan. Đó là một nhóm nhỏ những người cố gắng không biết mệt mỏi để giới thiệu những điều thú vị nhất của Việt nam, gạt bỏ sự sáo rỗng, những con đường mòn dễ gặp phải khi đề cập đến một nền văn hóa xa xôi, tránh các chủ đề mang tính chính trị, tuy rằng không phải lúc nào cũng có thể bỏ qua hai vấn đề này được. Những cá nhân hoạt động cùng Quỹ Nghệ thuật Fundacja Sztuki Arteria và trang mạng Kontynent Warszawa/ Lục địa Vacsava nằm trong số đó, họ là những người muốn chỉ cho người Vacsava thấy thế nào mới là Việt nam. Arteria đã nhận thấy tầm quan trọng của sự hiện diện của người Việt tại Vacsava và từ năm năm nay tổ chức các hoạt động nghệ thuật làm Việt nam xích lại gần người Ba lan hơn. Kontynent Warszawa/ Lục địa Vacsava, trong việc quảng bá cho tính chất đa văn hóa của Vacsava, không bao giờ bỏ qua cộng đồng người ngoại quốc lớn nhất của thủ đô. Wiet Nam Gra/ Việt nam Vui chơi, Festiwal Filmów Wietnamskich „Kino w pięciu smakach”/ Liên hoan phim Việt nam "Điện ảnh Ngũ vị", Podróż do Azji/ Du lịch Châu Á hay Wietnamski Nowy Rok/ Tết Nguyên đán tại câu lạc bộ Saturator là những sự kiện văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa trong tâm trí của người Vacsava, nhưng những người tổ chức ra các sự kiện đó trước hết là người Ba lan, không phải người Việt.
Chỉ một số người Việt đơn lẻ muốn ủng hộ các sự kiện quảng bá cho văn hóa chính đất nước mình. Còn số người Việt hoạt động tích cực trong văn hóa có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở Vacsava không có người Việt nào có một kế hoạch, ý tưởng và sự ham muốn truyền bá văn hóa Việt nam tại Ba lan theo cách mới và có hiệu quả. Thiếu người, vì đây không phải là các hoạt động đem lại thu nhập cao như kinh doanh, cũng không được tôn trọng và nhận được sự ủng hộ từ phía người Việt nói chung (vì người Việt đo sự thành công bằng tiền bạc). Ngoài ra, không phải ai cũng muốn đảm nhận công việc liên quan đến người Việt. Thế hệ trước được dậy dỗ tại Việt nam, nay không hiểu cơ chế và ý tưởng của việc quảng bá cho văn hóa hiện nay. Vì thế mà người Vacsava biết đến Việt nam qua con mắt của những người Ba lan đã đến Việt nam. Và chúng ta cũng biết rằng, sự thật mai một qua câu chuyện được kể lại, và không phải du khách nào cũng hiểu những gì anh ta nhìn thấy trong những chuyến đi.
Không thấy trên đường chân trời bất cứ một giải pháp nào để có thể khuyến khích người Việt tham gia các hoạt động quảng bá cho văn hóa của mình. Những người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên tại Ba lan đã mất liên lạc với tổ quốc của cha mẹ mình. Khó có thể khẳng định rằng những người còn giữ mối quan hệ đó đã mệt mỏi vì những câu hỏi liên tục về Việt nam, hay đơn giản là họ hơi xấu hổ hoặc không biết kể về đất nước đó như thế nào. Sự sáng tạo của người Ba lan cũng yếu dần - không có nhiều phim Việt hay để giới thiệu đến công chúng Ba lan, nhà hát mini biểu diễn múa rối nước trình diễn được hai vở diễn mini hai lần một năm, còn mô hình rồng Trung - Việt cũng đang rách dần. Một làn gió mới nổi lên khi, không có dự định trước, việc quảng bá các quán ăn Việt tại Sân vận động bất ngờ thành công rực rỡ. Vẻ hấp dẫn của khu chợ có thể gọi là "Một góc Sài gòn" đó đã gây cảm hứng cho nghệ sỹ và các nhà làm phim. Câu chuyện về người Việt trở thành đề tài nóng hổi trên màn ảnh rộng của phim ảnh Ba lan. Sự tàn lụi dần dần của Sân vận động Mười năm có báo hiệu nguồn cảm hứng của những người muốn nói về người Việt tại Ba lan đang cạn dần? Có lúc nào người Việt sẽ giằng lấy micrô từ tay người da trắng để tự nói về bản thân mình? Và lúc đó còn ai muốn nghe họ kể chuyện nữa hay không?
Bài viết: Đàm Vân Anh