Phim này động chạm đến một chủ đề rất khó. Diễn vai Mai Anh có khó lắm không?
Vai này rất khó diễn. Con đường đi sang Ba Lan của Mai Anh hoàn toàn khác với con đường của mình. Mình sang Ba Lan 15 năm trước đây, vào mùa đông năm 1998. Mẹ của mình có kinh doanh nghành ẩm thực ở đây, còn mình chỉ việc ngồi vào máy bay và bay sang với mẹ. Đối với mình, hoàn cảnh mà Mai Anh đã gặp phải là hoàn toàn mới mẻ. Do vậy trước khi bắt đầu quay phim, mình đã đọc rất nhiều về chủ đề này, mình hỏi những người Việt xem con đường của họ sang Ba Lan như thế nào. Mình bị một cú sốc khi thấy rất nhiều câu chuyện đúng là có thật, giống nhau. Theo như mình được biết thì từ lâu Kasia Klimkiewicz cũng đã thu thập được những thông tin khác nhau và bộ phim này - câu chuyện của cô bé nhân vật chính- là một sự đúc kết những từng trải của nhiều người Việt khác nhau, những người đã phải trải qua con đường đau khổ để sang được Ba Lan, để tìm miếng cơm manh áo. Vai diễn này là một thử thách lớn đối với mình.
Vai diễn trong phim có ảnh hưởng đến vai trò của bạn trong những hoạt động ở các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quảng bá văn hóa Việt Nam hay không?
Khi 18-19 tuổi, mình đã diễn trong một vở kịch Ba Lan- Việt Nam như đẽ kể trên và khi đó mình bắt đầu quan tâm đến văn hóa Việt Nam, hướng tới nền văn hóa này và truyền tải lại cho người Ba Lan hiểu biết thêm về văn hóa đó, cho cả những người Việt như mình, vì đã sinh sống ở Ba Lan từ thời còn bé xíu và chỉ biết đến văn hóa Ba Lan chứ không biết gì nhiều về văn hóa Việt. Sau khi tốt nghiệp đại học, mình bắt đầu viết về chủ đề này, mình viết bài, viết báo, viết bình luận, trong đó viết cho báo mạng Kontynent Warszawa. Mình không bao giờ tích cực hoạt động cho một Quỹ nào đó cụ thể. Mình cố gắng hàng ngày tự mang lại cho người Ba Lan thêm hiểu biết về văn hóa Việt, thí dụ như qua ẩm thực.
Nếu nói về những sự kiện thú vị hơn mà mình đã cùng tổ chức cùng với các bạn của mình thì có thể nói đến sự kiện Năm mới ở Saturator. Người Ba Lan cũng đến dự Năm mới Âm lịch ở Saturator. Tụi mình, với cương vị là những người tổ chức, trước hết đặt trọng tâm vào tính độc đáo, tất cả đều phải giống hệt nguyên bản ở Việt Nam. Thường là dễ khuyến khích bằng đồ ăn ngon, nhưng tụi mình cũng không tránh những chủ đề khó, như là trên bàn có xuất hiện một đống chân gà, óc lợn xào hay là nhộng rang. Bạn của tụi mình, cô bạn Dorota Podlaska khi đó đã làm một dự án rất thú vị - bạn ấy trang điểm những con nhộng đó bằng những miếng sô cô la, mà bạn ấy tự chuẩn bị: chúng có những hình thù và màu sắc khác nhau. Điều này làm cho mọi người thích thú và cảm thấy ngon miệng.
Những bước khởi đầu của bạn ở Ba Lan như thế nào?
Hoàn cảnh của mình khác hẳn so với những tình huống của các bạn Việt Nam cùng lứa tuổi khác. Trước năm 18 tuổi mình học ở các trường học mà ngoài mình ra thì chả có ai là người Việt Nam. Mình không tiếp cận gần với văn hóa Việt Nam, có thể do vậy mà mình nói tiếng Ba Lan tốt hơn so với các bạn Việt Nam khác cùng tuổi mình. Nhưng rất tiếc là tiếng Việt của mình thì lại kém. Tất nhiên là mình biết tiếng Việt, nhưng không được tốt như mình mong muốn. Những bước khởi đầu á? Những bước khởi đầu lúc nào cũng khó khăn. Mình nhớ là khi mình đi học về, mình nằm khóc ướt gối, bởi khi còn bé xíu mình đã ngây thơ nghĩ là ở Ba Lan cũng có nói tiếng Việt, cứ tưởng hai ngôn ngữ này chả khác nhau là mấy. Thực tế hóa ra là toàn toàn khác biệt. Cũng may là mình học ở một lớp có các bạn rất khoan dung.
Bạn có những kế hoạch gì trong tương lai?
Mình học xong ngành báo chí, nhưng mình không làm ở ngành này. Trước đây mình làm đủ công việc, thí dụ như là mình làm ở văn phòng chuyên hợp lý hóa giấy tờ cư trú cho người nước ngoài, chủ yếu cho người Việt Nam và Ucraina. Bây giờ mình muốn mở một hãng hoạt động kinh doanh ẩm thực của riêng mình, một quán bar nhỏ chẳng hạn. Mình rất thích nấu nướng, hình như mình có gien theo mẹ. Chính vì vậy mà mình hướng tới công việc mở một hãng hoạt động kinh doanh của riêng mình.
J.B.